Các Phong Tục Tập Quán Ngày Tết

Chợ Tết

Chợ Tết là phiên chợ họp vào dịp Tết, phục vụ cho nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết. Được diễn ra nhiều nơi từ các đô thị cho tới vùng nông thôn, vùng núi rừng, vùng cao…. Chợ Tết cũng là một trong những phong tục vui Xuân của người Việt, đi chợ Tết là để cầu duyên, cầu tài lộc, mua may bán đắt.

du lich tet

Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải để “có cái ăn” mà đó là phong tục, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, cũng có thể được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm với cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ. Dẫu rằng cách ăn, cách chơi Tết trải qua nhiều năm đã thay đổi cho phù hợp với cuộc sống nhưng dù nhà giàu hay nghèo, nhu cầu mua sắm ngày Tết là không thể thiếu.

Cây Nêu ngày Tết

Cây Nêu là cây tre cao khoảng 5-6m, được trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Cây nêu được dựng nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Người ta tin rằng những vật treo ở cây Nêu, cộng thêm những tiếng động của khánh đất giúp xua đuổi ma quỷ.

Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm giao thừa còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may. Cây Nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời cho đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.

du lich tet

Câu đối Tết

Câu đối là thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Từ “đối” ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Người ta sử dụng câu đối đểtrang hoàng nhà cửa và thưởng Xuân, từ xưa các nhà nho học tới những người bình dân rất trọng tục treo “câu đối đỏ” vào ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên được gọi chung là câu đối đỏ. Ngày nay, phong tục treo câu đối vẫn được duy trì và thay vào đó người ta viết bằng chữ quốc ngữ tạo thành hình thức viết thư pháp mới, trao tặng nhau những câu đối xuân với ý nghĩa tốt lành, may mắn cho một năm mới.

Hoa Tết

 

du lich tet

Ngoài “thịt mỡ – dưa hành – câu đối đỏ” thì hoa cũng là thứ không thể thiếu trong mọi gia đình mỗi khi Tết đến xuân về. Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Miền Trung và miền Nam thì đón Tết cùng với cành mai vàng, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển, sang trọng, màu vàng còn là màu quyền lực của các vị vua. Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.

Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay-ơn, hoa huệ… hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet…Còn cây quất thường được đặt tại phòng khách, với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn.

Lễ tổ tiên ngày Tết

du lich tet

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là tục lệ thờ cúng những người đã mất, tổ tiên, của nhiều dân tộc Châu Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa. Đối với người Việt, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Phong tục này thể hiện rõ nét vào mỗi dịp Tết đến, mọi người lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Nhiều người khấn vái trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Có nhiều người thì đi thăm lại nơi họ đã từng sinh sống với gia đình trong thời niên thiếu. Đối với nhiều người xuất thân từ nông thôn Việt Nam, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với giếng nước, sân nhà. “Về quê ăn Tết” đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.

Dọn cúng mâm cao cỗ đầy, tề tựu đông đủ. Với các món ăn truyền thống, hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết, bánh trái, ngũ cốc, thịt gà, heo… thơm ngon đặt lên cúng trên bàn thờ. Để ông bà yên lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống và đem sức lao động cần cù trên mãnh đất quê hương của ông cha để lại. Đây chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền từ ngàn xưa.

Xuất hành và hái lộc ngày Tết

Sau phút giao thừa thiêng liêng, mong muốn có được chút ân hưởng của thiên nhiên, đất trời, để may mắn trong một năm mới nên mỗi người hái cho mình một cành lá như là hái lộc đầu năm. Tập tục hái lộc là nét văn hóa có từ lâu đời và vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới.

Chúc Tết

du lich tet

Để gắn kết tình cảm gia đình, họ hàng , làng xóm những lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công… Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau “tai qua nạn khỏi” hay “của đi thay người” nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà thờ Tổ Tiên để làm lễ và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, nên ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên.

Lì xì

Lì xì ngày Tết người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay “hồng bao”, với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong “hồng bao” có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.

Theo: Kim Phụng (cholontourist)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *