Chung tay xây dựng du lịch hội nghị

Du lịch hội nghị “ăn nên làm ra”, một phần do hầu hết các công ty, tập đoàn không đơn thuần đưa nhân viên đi du lịch mà còn muốn kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, xây dựng đội ngũ phát triển ý tưởng sáng tạo theo nhóm (team building), đồng thời mong muốn mở ra cơ hội tìm kiếm đối tác, phát triển việc kinh doanh, mở rộng thị trường. Sở dĩ loại hình này mang lại doanh thu lớn do chủ yếu tập trung khai thác vào đối tượng khách đoàn, với mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài ngày.

phat-trien-micejpg

Theo tính toán của các công ty du lịch, loại hình hội nghị mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với những loại hình du lịch thông thường. Cụ thể, mức chi tiêu trung bình (ngoài chi phí tour) của khách hội nghị từ châu Âu là 700-1.000 USD/ngày, khách châu Á khoảng 400 USD/ngày, con số này thực tế có thể còn cao hơn.
Hiện tại, một số địa điểm nước ta thu hút số đông du khách hội nghị là: TP.HCM, Hà Nội, Ðà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phú Quốc… Riêng tại TP.HCM, du lịch hội nghị được xác định là một trong bốn loại hình du lịch chính cần hướng đến phát triển tốt trong tương lai song song với du lịch mua sắm, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành có thương thiệu như Saigontourist, Bến Thành tourist, Fiditour, Trans Việt… đều có kế hoạch tập trung khai thác mảng du lịch hấp dẫn này.
Điển hình như Saigontourist, một trong những đơn vị đưa hội nghị vào hoạt động sớm nhất tại nước ta với số lượng khách hàng đáng kể. Tính từ đầu năm đến nay, Công ty này đã phục vụ hơn 40.000 lượt khách hội nghị trong nước và quốc tế. Tại Vietravel, lượng khách hội nghị cũng chiếm khoảng 60% tổng số lượng khách của công ty.

Phát triển còn khiêm tốn

Theo nhận định chung, số lượng các đoàn hội nghị đến nước ta mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Các đơn vị lữ hành cho biết, nguyên nhân khiến các đoàn hội nghị quốc tế chưa “mặn mà” với nước ta – một thị trường được đánh giá là “thừa sức” phát triển tốt loại hình này chủ yếu do số lượng khách sạn từ 3-5 sao đạt chuẩn tại các TP lớn chưa nhiều, các trung tâm biểu diễn văn hóa có chiều sâu, các trung tâm mua sắm cao cấp, hàng lưu niệm đặc trưng còn ít, hoặc chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách hội nghị.
Tại hội thảo về phát triển thị trường du lịch hội nghị TP.HCM gần đây, bà Việt Hương – đại diện Viettravel cho biết, tình trạng nhiều đơn vị du lịch không có kinh nghiệm phục vụ đối tượng khách hội nghị nhưng vẫn “nhảy” vào giành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo ông Lại Hữu Phương – Giám đốc Bến Thành Tourist, bên cạnh những khó khăn chung, việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ tốt, những phiên dịch cao cấp phục vụ tại các hội thảo mang tính quốc tế đang là trở ngại lớn cho những đoàn khách hội nghị nước ngoài khi quyết định mua tour.
Thực tế cho thấy, số lượng những phiên dịch viên này rất ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Yêu cầu cấp thiết là phải đào tạo gấp một đội ngũ phiên dịch giỏi, chuyên trách phục vụ loại hình hội nghị trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến lại cho rằng, chính mối liên kết lỏng lẻo và thiếu sự chuyên nghiệp giữa các bên như nhà hàng-khách sạn-đơn vị lữ hành tại nhiều nơi đang gây trở ngại khi phục vụ các đoàn hội nghị quốc tế. Một số đơn vị chỉ thấy “cái lợi trước mắt” mà sẵn sàng nâng giá với đối tác, gây ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng…
Trả lời báo giới về tình hình du lịch hội nghị tại nước ta, ông Gilbert Whelan, cựu Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA), giám đốc CLB hội nghịViệt Nam cho rằng, việc quảng bá lĩnh vực du lịch hội nghị nói riêng và hình ảnh du lịch nói chung ở Việt Nam còn khá thụ động, chưa tự tin.
Điều này thể hiện rõ tại các hội chợ du lịch quốc tế, các gian hàng của Việt Nam còn khá trầm lắng, còn thụ động chờ đợi khách đến chứ chưa tự tin mời gọi họ. Để xây dựng được hình ảnh một Việt Nam hấp dẫn đối với khách hội nghị, yếu tố quan trọng đầu tiên là sự hợp lực, liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành với nhau để tạo ra phong cách riêng, ấn tượng với những sản phẩm đa dạng…
Đầu tháng 6.2011, tại TP.HCM CLB hội nghị Việt Nam (chịu sự quản lý của Cty cổ phần truyền thông mạng VinaMedia với sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL và Hãng hàng không Vietnam Airlines) cũng đã làm lễ ra mắt và kêu gọi các doanh nghiệp khách sạn, du lịch, đơn vị tiếp thị đến tham gia để quảng bá cho loại hình du lịch này tại Việt Nam.
Tháng 9.2011, trang web chính thức của CLB sẽ chính thức hoạt động để quảng bá dịch vụ của các thành viên. Đồng thời trong năm 2011-2012, CLB sẽ tiếp thị hình ảnh chung tại hàng loạt sự kiện ởThái Lan, Úc, Inđônêsia, Đức, Hồng Kông (TQ) cùng các hội chợ du lịch trong nước…
Theo các chuyên gia, sắp tới nhu cầu du lịch hội nghị tại Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt. Một lượng khách lớn đến nước ta thông qua hội nghị nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh còn tiếp tục tăng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch để khai thác loại hình này một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường liên kết, chung tay xây dựng một thương hiệu du lịch hội nghị vững chắc, hấp dẫn tại Việt Nam.

Mọi Chi Tiết Xin Liên Hệ

PHÒNG MICE & EVENT – TRUNG TÂM LỮ HÀNH DU LỊCH CHỢ LỚN

Address: 83 Châu Văn Liêm, P.14, Q.5, TP.HCM
Tel: 08. 3853 5566 (ext: 27) – Fax: 08. 3853 8978
Email: mice@cholontourist.com.vn
Website: cholontourist.com.vn

One thought on “Chung tay xây dựng du lịch hội nghị

  1. Pingback: Phát Triển Du Lịch Hội Nghị Ở Đà Lạt - Trung Tâm Sự Kiện Cholontourist

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *